iSMART CÓ GÌ MỚI
Xu Hướng Kỹ Năng Số Giáo Dục Tại Asean
03/10/2023

Chương trình giáo dục số bắt đầu từ tiểu học đang trở thành xu hướng thúc đẩy sự phát triển và sáng tạo trong ngành giáo dục tại các quốc gia ASEAN.

Diễn đàn giáo dục của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á (SEAMEO RETRAC) diễn ra tại Việt Nam

Trong hai ngày 28 và 29-9, các chuyên gia giáo dục tại các quốc gia ASEAN đã đến Việt Nam tham dự Diễn đàn Giáo dục về Sáng tạo Trường học. Sự kiện được chủ trì bởi Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á (SEAMEO RETRAC), tổ chức hàng đầu trong việc thúc đẩy cải cách giáo dục tại khu vực Đông Nam Á.

Hướng đến Tương lai Số Hóa cho Thế Hệ Trẻ

Việc học khoa học máy tính từ tiểu học - Chính là tương lai mà Malaysia và Campuchia đang hướng đến cho thế hệ trẻ của họ thông qua "chính sách giáo dục số". Dưới sự lãnh đạo của Bà Rohayati Hamed - Viện quản lý giáo dục Aminuddin Baki thuộc Bộ Giáo dục Malaysia - chính sách này đã được đề ra với tầm nhìn toàn diện.

Cốt lõi của chính sách này là học sinh. Từ lúc còn ở cấp 1, học sinh sẽ bắt đầu học về kỹ thuật số, thiết kế và cơ bản về khoa học máy tính. Cấp 2 sẽ đem lại sự nâng cao trong việc học thêm về khoa học máy tính. Không chỉ vậy, từ lớp 6 trở đi, học sinh còn được tiếp xúc với kỹ thuật truyền thông thông tin, tạo sự đa dạng trong học tập. 

"Chúng tôi đưa ra tiêu chí cụ thể cho một học sinh "thành thạo năng lực số", bao gồm việc các em có thể dùng các kỹ năng số để giải quyết các vấn đề mới, có thể tổng hợp, quản lý và phân tích dữ liệu sáng tạo, có trách nhiệm và thái độ tốt khi dùng công nghệ số", bà Rohayati Hamed nói.

Bên cạnh đó tại, tại Campuchia, Ông Dy Samsideth - phó tổng cục trưởng phụ trách giáo dục, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia - cho biết hiện tại bắt đầu từ lớp 4 đến lớp 6, học sinh Campuchia sẽ được học các kỹ năng công nghệ số đầu tiên. Từ việc học STEM, tương tác trên mạng xã hội, lập trình đến tư duy số, học sinh ở đây được chuẩn bị từng bước cho tương lai số hóa.

Các em nhỏ được học mỗi tuần một giờ, và trong giai đoạn từ lớp 7 - lớp  9, thời gian học tăng lên 2 giờ để đảm bảo sự thành thạo hơn về kỹ năng số. Và đối với học sinh lớp 10 đến lớp 12 sẽ được học các kỹ năng nâng cao như an toàn trực tuyến, sử dụng công nghệ trong công việc và quản lý.

Ông Dy Samsideth cho biết thêm các môn học kỹ thuật số này được các cơ quan giáo dục ở Campuchia duy trì từ trực tuyến, trực tiếp đến kết hợp, cũng như phát triển nhiều ứng dụng và trang web học tập, cả hai quốc gia đang định hình một tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ, một tương lai mà công nghệ số là một phần không thể thiếu.

Học sinh Singapore tương tác trên nền tảng học trực tuyến quốc gia

Đổi mới giáo dục số quốc gia

Tại Singapore, ông Lee Yan Kheng, người đứng đầu bộ phận phát triển chuyên môn của Học viện Giáo viên Singapore, đã tiết lộ một hệ thống học tập trực tuyến cấp quốc gia. Mỗi học sinh đều được trang bị một tài khoản cấp quốc gia, để truy cập vào cánh cửa thế giới tri thức này

Trên nền tảng này, học sinh không chỉ tiếp cận các bài giảng mở rộng, mà còn được hưởng một nguồn tài liệu về công nghệ đa dạng, thúc đẩy sự tự học. Đồng thời, việc trường học trang bị máy tính bảng cho những học sinh đã được thực hiện một cách tích cực.

Tại Brunei, bà Masdiah Tuah, người đứng đầu bộ phận quản lý nhà giáo thuộc Bộ Giáo dục, đã tuyên bố một kế hoạch chuyển đổi số trong giáo dục giai đoạn 2023-2027 và thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục quốc gia. Không chỉ tập trung vào học sinh, Bộ Giáo dục Brunei còn  triển khai nhiều chương trình nâng cao năng lực số cho giáo viên.

Bà Masdiah Tuah cho biết Brunei đã đưa ra ít nhất 8 chương trình quốc gia nhằm nâng cao kỹ năng số cho giáo viên trên nhiều khía cạnh, từ việc thiết kế bài giảng, tổ chức lớp học, đến quá trình giao tài liệu và đánh giá kết quả. "Bộ Giáo dục không tự làm một mình mà sẽ kết hợp với các doanh nghiệp về công nghệ số hàng đầu trên cả nước để cùng triển khai các chương trình, giúp các nội dung có được sự thực tế và đạt hiệu quả tốt nhất", bà Masdiah Tuah nói.

Nhu cầu phát triển giáo dục số tại Việt Nam

Ngọc Trân, một sinh viên tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), thể hiện mong muốn về sự phát triển của giáo dục số tại Việt Nam. Đối với cô ấy, chương trình giáo dục số không chỉ đơn thuần là lý thuyết, mà cần phải áp dụng trong ngành học. Ví dụ, trong ngành ngôn ngữ Anh, việc có các chuyên gia hướng dẫn cách sử dụng công nghệ số để dạy và học tiếng Anh sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về cách áp dụng kiến thức vào thực tế, mức độ áp dụng của chúng, và sẽ thúc đẩy sự tiến bộ hơn trong việc học tập.

Trần Phong, một học sinh cấp 1 tại Trường TH-THCS-THPT Nam Sài Gòn, cũng thể hiện mong muốn được làm quen với giáo dục số từ thời tiểu học. Cho học sinh cơ hội làm quen với nội dung số ngay từ tiểu học sẽ thúc đẩy sự phát triển của đam mê công nghệ từ rất sớm. Điều này sẽ giúp các bạn tự tin hơn, chủ động học hỏi, và sẵn sàng khám phá thế giới số hóa khi bước vào cấp học tiếp theo.

TRÍCH BÁO: TUỔI TRẺ

HOTLINE ĐĂNG KÝ
TƯ VẤN
Loading...

Bằng việc đăng ký thông tin, bạn đồng ý cho phép iSMART liên lạc thông qua các hình thức: cuộc gọi, tin nhắn, email nhằm mục đích tư vấn các chương trình Anh ngữ & nghiên cứu thị trường. Chúng tôi cam kết không chia sẻ thông tin của bạn với bất cứ bên thứ ba.