Ngày 2-3/11, Hội khuyến học các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng tổ chức hội nghị giao ban, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình công dân học tập.
Nhiều kinh nghiệm xây dựng mô hình học tập
Báo cáo công tác khuyến học- khuyến tài của hội khuyến học các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng thời gian qua, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh cho biết, đến nay các hội cơ bản đã hoàn thành mục tiêu, kế hoạch công tác năm 2023.
Tính đến tháng 10/2023, toàn thành phố có 60 tổ chức thành viên, 579 Hội khuyến học cấp xã, phường, thị trấn; 6.591 chi hội; 11.511 Ban khuyến học với hơn 1,6 triệu hội viên.
Chất lượng hoạt động của các tổ chức hội và hội viên từng bước được nâng lên rõ rệt. Đa số hội viên đã nỗ lực thực hiện và tham gia vận động nhân dân cùng thực hiện phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và nhiều phong trào thi đua ở địa phương.
Công tác xây dựng quỹ khuyến học luôn được các cấp hội tại Hà Nội quan tâm, đến nay đã vận động, kêu gọi ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng.
Hội nghị giao ban, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm xây dựng mô hình công dân học tập (Ảnh: Thống Nhất).
Điểm mới năm 2023 của Hội Khuyến học thành phố Hà Nội là tổ chức hội nghị gặp mặt cán bộ khuyến học, viết bài và thuyết trình giỏi về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Không riêng Hà Nội, Hội khuyến học nhiều tỉnh, thành phố trong cụm phát triển các tổ chức hội khuyến học ở các cộng đồng dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học, lực lượng vũ trang.
Phát huy thế mạnh của địa phương, các hội khuyến học các tỉnh, thành phố tiếp tục nhân rộng các mô hình xây dựng quỹ khuyến học - khuyến tài với nhiều hình thức phong phú; qua đó tổ chức khen thưởng, trao quà động viên khích lệ học sinh, sinh viên, người lao động, góp phần có hiệu quả vào sự phát triển của giáo dục, khuyến học - khuyến tài; xây dựng xã hội học tập các tỉnh, thành phố.
Chẳng hạn Hà Nội đã vận động, kêu gọi ủng hộ quỹ khuyến học, khuyến tài với tổng số tiền trên 21 tỷ đồng.
Tỉnh Vĩnh Phúc trao học bổng cho học sinh nghèo vươn lên trong học tập năm 2022- 2023 là 1.112 em với tổng kinh phí hơn 5 tỷ đồng.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc chi cho học sinh, giáo viên có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi với mức thưởng cao nhất là 100 triệu đồng/người.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: Hạnh Nguyên).
"Có thực mới vực được đạo"
Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Hội khuyến học một số tỉnh thành trong khu vực chia sẻ những cách làm hay, những điển hình tốt để đẩy mạnh hoạt động hội.
Vĩnh Phúc kết hợp xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu, góp phần thúc đẩy phong trào học tập.
Như vậy, mỗi làng, tổ dân phố được công nhận danh hiệu làng văn hóa kiểu mẫu, sẽ được một làng khuyến học tiêu biểu.
Thái Bình nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng nhờ công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương.
Hà Nam tập trung đẩy mạnh công tác phát triển hội viên, số lượng hội viên đạt gần 37% trong tổng số dân, là đơn vị có tỷ lệ hội viên cao nhất trong cụm.
Ninh Bình có tỷ lệ hội viên trong tổng số dân đứng thứ 2 của cụm với gần 35%.
Nam Định huy động được 4 tỷ đồng xây dựng quỹ khuyến học; Vĩnh Phúc đạt kết quả cao trong việc đăng ký xây dựng các mô hình học tập.
Ngoài những thành tích đạt được, điều kiện cho hoạt động của Hội Khuyến học còn gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu Hội khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Hạnh Nguyên).
Theo đại diện Hội khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc, "có thực mới vực được đạo", muốn hoạt động tốt các hội phải có quỹ. Thế nhưng việc xây dựng quỹ hội còn khó khăn vì kinh phí hạn hẹp.
Bên cạnh đó, một số địa phương khác cho biết cơ sở vật chất thiếu; nhiều tổ chức hội chưa được công nhận hội đặc thù…
Việc tiếp thu bộ công cụ đánh giá mô hình công dân học tập chưa đáp ứng được tiêu chuẩn chung.
Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở một số cấp, ngành, địa phương, đơn vị còn hạn chế.
Đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng mô hình "công dân học tập", Hội khuyến học các tỉnh thành trong cụm 3 chia sẻ nhiều kinh nghiệm xây dựng mô hình công dân học tập ở các địa phương, đơn vị.
Hội khuyến học Hà Nội nêu 7 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường tập huấn cho cán bộ khuyến học; thường xuyên tổ chức tọa đàm, hội thảo để rút kinh nghiệm.
Đại diện Hội khuyến học tỉnh Hà Nam cho rằng, cần tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua học tập thường xuyên, học tập suốt đời cho người lớn, không phân biệt lứa tuổi, thành phần kinh tế theo nhu cầu "cần gì học nấy", học mọi lúc mọi nơi và phù hợp với từng lứa tuổi…
Tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá cao kết quả hoạt động của các hội khuyến học trong cụm 3 thời gian qua.
Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, để công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong các tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Hồng đạt hiệu quả hơn nữa, đề nghị các hội cần xác định rõ được những cơ sở pháp lý để thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các hội cần đa dạng loại hình quỹ khuyến học, đẩy mạnh xây dựng đội ngũ cán bộ khuyến học vững mạnh.
THEO BÁO DÂN TRÍ