Với sự hỗ trợ nền tảng công nghệ từ iSMART và đối tác, ngành GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tích cực triển khai "Trường học số Google".
Hình 1: Giáo viên quét mã QR code để lấy tài liệu tập huấn.
Ngày 15/7, Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vừa tổ chức khai mạc các lớp tập huấn "Giải pháp chuyển đổi số trong công tác giảng dạy, đánh giá hiệu quả học tập, triển khai trường học số Google" và bồi dưỡng "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ hoạt động dạy học dựa trên công nghệ Google".
Chương trình có sự phối hợp cùng công ty Cổ phần Giáo dục ISMART - trực thuộc Tập đoàn Giáo dục EQUEST; Công ty AI Education - Đơn vị độc quyền của Google for Education tại Việt Nam; Công ty Cổ phần Công nghệ MegaEdu.
Hình 2: Toàn cảnh khai mạc các lớp tập huấn giải pháp Trường học số Google tại TP Buôn Ma Thuột.
Tham dự có lãnh đạo, chuyên viên phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột và hơn 160 cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn.
Phát huy thế mạnh từ nền tảng Công nghệ thông tin
Theo đó, giải pháp Trường học số Google với mô hình lớp học thông minh cung cấp đồng thời cả trang thiết bị, nền tảng hỗ trợ dạy và học cùng kho học liệu số phong phú.
Hình 3: Ông Nguyễn Hữu Luật - Trưởng phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột khai mạc tập huấn.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hữu Luật nhấn mạnh, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là xu hướng tất yếu hiện nay. Việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giảng dạy, học tập, mà còn có vai trò định hình cho sự phát triển bền vững của giáo dục trong tương lai.
Theo ông Luật, để triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, ngoài ngân sách Nhà nước cấp, việc xã hội hóa với sự tham gia của các đơn vị tư nhân cũng hết sức quan trọng. Vừa chia sẻ gánh nặng với nguồn ngân sách còn hạn hẹp vừa phát huy tiềm lực, thế mạnh nền tảng CNTT của các tập đoàn lớn.
Hình 4: Giải pháp Trường học số Google giúp giáo viên, học sinh tiếp cận kho học liệu số phong phú.
"Chương trình tập huấn nhằm từng bước hiện thực hóa Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch chuyển đổi số và xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Có 2 chuyên đề trọng tâm: Ứng dụng AI vào hỗ trợ hoạt động dạy và học dựa trên công nghệ Google và Chương trình đào tạo giáo viên “Trình độ Google Educator Level 1”, ông Luật thông tin.
Hình 5: Đại điện iSMART tại Đắk Lắk cam kết đồng hành cùng ngành GD&ĐT địa phương trong công cuộc chuyển đổi số.
Người đứng đầu ngành Giáo dục TP Buôn Ma Thuột cũng yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên phát huy tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị đầy đủ phương tiện CNTT, tiếp thu nghiêm túc nội dung lớp tập huấn.
"Để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị thông minh, trước hết thầy cô giáo và toàn ngành GD phải có những bước tiến mạnh mẽ về chuyển đổi số, phải xứng đáng là ngành đi đầu không chỉ ở địa phương mà toàn tỉnh. Trước hết, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp các nền tảng CNTT vào thực tiễn dạy - học ở đơn vị", ông Luật nêu yêu cầu.
Hình 6: Những câu hỏi từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số của giáo viên giúp cơ quan quản lý đánh giá khách quan, định hướng phù hợp.
Hơn 5.000 bài giảng từ lớp 1 đến 12
Giải pháp Trường học số Google kết hợp với MegaEdu cho phép giáo viên thực hiện các hoạt động dạy và học trên không gian số một cách an toàn và bảo mật; tích hợp các công nghệ mới nhất giúp quản lý lộ trình học tập của học sinh, cá nhân hoá việc dạy và học.
Hình 7: Các chuyên gia đến từ đơn vị đối tác của ISMART sẽ giúp cán bộ quản lý, giáo viên hiểu rõ hơn về kho học liệu số từ lớp 1 đến lớp 12.
Cùng với đó, chương trình hỗ trợ tập huấn trực tiếp đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên sẽ giúp nâng cao kỹ năng thích ứng công nghệ số của đội ngũ này ở các địa phương. Từ đó, hình thành đội ngũ cán bộ nòng cốt, tiếp tục lan tỏa kinh nghiệm chuyển đổi số trong dạy học, tự đào tạo trong nội bộ nhà trường.
Hình 8: iSMART Đắk Lắk sẽ luôn đồng hành với ngành GD&ĐT địa phương trong quá trình chuyển đổi số.
Ưu điểm vượt trội của Trường học số Google là có sẵn kho học liệu số với hơn 5.000 bài giảng đa dạng các môn học xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT do MegaEdu xây dựng.
Cụ thể, MegaEdu sử dụng phương pháp microteaching (dạy học vi mô) với các bài tập chú trọng tính tương tác giúp học sinh hứng thú và thúc đẩy khả năng tự học của các em.
Cùng với đó, hệ thống học liệu này cũng hỗ trợ đắc lực cho các giáo viên trong việc soạn giáo án, chuẩn bị bài, làm báo cáo…, giúp tiết kiệm được thời gian từ 1-5 tiếng mỗi ngày.
Hình 9: Chỉ cần quét mã QR trên điện thoại thông minh, kho học liệu số với hàng ngàn bài giảng đã nằm trong tầm tay của người dạy và người học.
Chia sẻ về điều này, ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc Điều hành MegaEdu nói: "Có ý kiến cho rằng, lớp học thông minh chỉ đơn giản là mua thêm những chiếc máy tính, laptop bỏ vào trong các lớp học. Tuy nhiên, chi phí cho các thiết bị này sẽ là một khoản đầu tư vô nghĩa nếu không biết phải ứng dụng cụ thể như thế nào trong tổ chức giảng dạy và học tập. Đây là lý do MegaEdu hợp tác với AI Education để mang đến mô hình lớp học thông minh hoàn chỉnh như Trường học số Google.
Bên cạnh trang thiết bị, công cụ hỗ trợ dạy và học, kho học liệu phong phú… MegaEdu còn phát triển MegaG, là công cụ độc quyền giúp tích hợp nội dung số vào Google Classroom. Với MegaG giáo viên có thể tải toàn bộ nội dung học liệu số lên Google Classroom chỉ với một vài thao tác đơn giản và kiểm soát được thời gian học sinh truy cập học liệu".
Trích dẫn nguồn từ báo Giáo dục và Thời đại