iSMART triển khai dạy và học tiếng Anh cho 3.600 học sinh, giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực giáo viên tại huyện Mù Cang Chải bằng mô hình hybrid hiện đại.
iSMART triển khai dạy và học tiếng Anh cho 3.600 học sinh và giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực giáo viên tại huyện Mù Cang Chải bằng mô hình hybrid hiện đại.
Hybrid – Xu hướng dạy và học hiện đại
Mô hình dạy và học hybrid là mô hình kết hợp và đồng bộ giữa dạy và học trực tiếp và trực tuyến mà không có sự khác biệt về chất lượng trong quá trình học tập.
Từ ngày 10.1, gần 3.600 học sinh khối 1 và khối 3 của 117 lớp học tại 16 trường tiểu học của H.Mù Cang Chải đồng loạt bắt đầu bài học tiếng Anh đầu tiên theo mô hình hiện đại hybrid.
Giáo viên chính tại Hà Nội dạy trực tuyến qua zoom tới 117 điểm cầu trên khắp H.Mù Cang Chải, tại đó các trợ giảng là giáo viên địa phương sẽ hướng dẫn học sinh học với một thao tác quan trọng duy nhất là… bấm nút.
Bài giảng số đã được cài đặt sẵn vào máy tính ở mỗi lớp học và mỗi bài học đã được kịch bản hóa đến từng giây để trợ giảng biết lúc nào bấm vào nút gì trên máy tính. Để “bấm đúng nút” các giáo viên địa phương mà hầu hết đều không biết tiếng Anh đã được đào tạo, tập huấn trực tiếp và trực tuyến nhiều buổi về phương pháp dạy mới, về cách sử dụng thiết bị, và đặc biệt là hiểu cách vận hành lớp học sử dụng bài giảng số.
Tiếng Anh đến gần với học sinh Mù Cang Chải nhờ mô hình hybrid.
Đây là dự án CSR (trách nhiệm xã hội) của iSMART (Tập đoàn Giáo dục EQuest), thực hiện tại một trong những địa bàn được coi là khó khăn nhất của cả nước về giáo dục, trong đó nổi lên vấn đề thiếu giáo viên môn tiếng Anh.
Ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Tổng Giám Đốc iSMART Education, cho biết dự án kéo dài 5 năm và hoàn toàn miễn phí. “Tôi có một niềm tin sắt đá rằng, nếu được tiếp cận bình đẳng với nền giáo dục tốt và phương pháp giáo dục hiện đại thì học sinh dù ở đâu cũng có thể học tốt và thành người có ích, bất kể điều kiện kinh tế hay nguồn gốc xuất thân. Tôi muốn chứng minh điều đó tại Mù Cang Chải”, ông Chiến chia sẻ.
Mọi thủ tục cần thiết để thực hiện dự án đã được chính quyền và ngành GD-ĐT địa phương giải quyết rất nhanh, trong đó có cả việc phê duyệt chi ngân sách để mua sắm thiết bị cần thiết để hỗ trợ dạy học theo mô hình này. “Chúng tôi họp với Phòng GD-ĐT chiều hôm trước thì sáng hôm sau công văn của UBND huyện đã về đến Hà Nội rồi”, ông Chiến cho hay.
Giải quyết hiệu quả vấn đề thiếu nguồn lực
Việc dạy tiếng Anh từ cấp tiểu học sẽ tạo ra các thay đổi cơ bản cho nguồn nhân lực tương lai. Lý do thiết thực khác đó là giải quyết được vấn đề phải dạy tiếng Anh là môn bắt buộc từ lớp 3 (với tối thiểu 4 tiết/tuần) của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong khi ngành giáo dục huyện thiếu nhiều giáo viên môn tiếng Anh.
Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mù Cang Chải, cho biết: “Huyện đang còn thiếu rất nhiều giáo viên tiếng Anh, nhiều trường “trắng” giáo viên môn học này. UBND tỉnh Yên Bái đã dành sự quan tâm ưu tiên tuyển dụng nhưng không có nguồn để tuyển. Năm học 2022 – 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo biệt phái 9 giáo viên tiếng Anh từ TP.Yên Bái và một số huyện vùng thấp lên tăng cường cho H.Mù Cang Chải nhưng đây cũng chỉ là giải pháp trước mắt”.
Cải thiện phát âm nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại
Theo ông Thủy, chương trình này không chỉ giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên mà còn giải quyết được một vấn đề vốn rất khó khăn là phát âm của học sinh. Hiệu quả ban đầu có thể “đong đếm” khi nhìn thấy các em nhỏ ở miền núi vốn rất rụt rè, đặc biệt với những điều mới lạ, nhưng đã hào hứng nhảy, hát theo nhạc và rất sôi nổi tham gia các phần thực hành trong buổi học tiếng Anh.
Ông Thủy còn có một niềm vui khác, đó là việc đào tạo, nâng cao năng lực cho giáo viên của ông qua chương trình này. “Nhờ chương trình, giáo viên của chúng tôi cũng sẽ thay đổi và tiến bộ hơn do được huấn luyện và tiếp cận phương pháp dạy mới với các học liệu mới, hiện đại”, ông Thủy nói.
Thực tế cho thấy, các giáo viên tiếng Anh của Việt Nam chú trọng dạy ngữ pháp hơn là dạy phát âm nên chất lượng phát âm, khả năng nói đúng và nói hay của học sinh Việt Nam khá hạn chế. Trong chương trình dạy tiếng Anh ở Mù Cang Chải, học sinh được “nhúng” vào bài giảng số với các tình huống cuộc sống và phát âm của người bản ngữ. Theo thời gian, các em sẽ hấp thu một cách tự nhiên cách phát âm của người bản ngữ và trình bày các vấn đề và kiến thức học được một cách rất tự nhiên.
Trưởng phòng GD-ĐT H.Mù Cang Chải Nguyễn Anh Thủy bày tỏ mong muốn mô hình hỗ trợ dạy tiếng Anh cho địa bàn khó khăn như Mù Cang Chải sẽ giúp trẻ em được làm quen với tiếng Anh, với phương pháp dạy và học mới và giúp từng bước tạo lập và phát triển môi trường giao tiếp tiếng Anh trong các trường của huyện.