Trẻ vâng lời một cách rập khuôn dễ thụ động, thiếu tự chủ

Ông Trương Minh Châu, Giám đốc Đào tạo chương trình iSMART, người có hơn 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu giáo dục chia sẻ về vấn đề trẻ vâng lời một cách rập khuôn dễ trở nên thụ động, thiếu tự chủ.

– Theo ông, vâng lời và thụ động khác nhau ở điểm nào?

– Vâng lời là hành động nghe và làm theo ý người khác. Thụ động là tính chất của hành động đó. Nó trả lời cho câu hỏi bạn có hoàn toàn tự do và tự chủ trong quyết định của mình không.

– Ông nghĩ gì về việc trẻ ngoan ngoãn quá thành ra thụ động?

– Nhiều trẻ được dạy phải ngoan, nhưng khi hỏi khái niệm của ngoan thì các em giải thích là phải nghe lời cha mẹ. Cách trả lời này đồng nghĩa với việc trẻ đang mặc định lời người lớn nói là đúng, cần tuân thủ và làm theo một cách rập khuôn, thụ động. Theo tôi, như thế là vâng lời, nhưng không tự chủ. Chưa kể, có trường hợp trẻ trong lòng phản đối nhưng không dám nói ra quan điểm của mình. 

Nhìn chung, trẻ cần được hiểu tại sao chúng phải vâng lời và nên vâng lời khi nào, cũng như phân biệt đúng, sai trước khi làm theo ai đó, nếu không sẽ trở nên thụ động, thiếu tự chủ.

– Ở trường, tính thụ động của trẻ thể hiện như thế nào?

– Thực tế, đã có một thời gian dài chúng ta học theo lối thụ động, thầy thuyết giảng; học sinh lắng nghe, ghi nhớ để đến giờ kiểm tra thì trả lời lại gần như nguyên vẹn những gì thầy giảng. Cho nên cái mà học sinh tạo ra không phải là sự sáng tạo của riêng các em mà đơn thuần là sự sao chép kiến thức đã được mặc định trong sách hay trong bài giảng của thầy cô.

Phương pháp này tạo ảo giác truyền giảng được nhiều kiến thức và lại nhàn hạ cho học sinh: chỉ cần ngồi ngoan, học thuộc những kiến thức trên lớp là sẽ được điểm cao, trở thành trò giỏi. Thực tế, các em đang dần trở nên thụ động, dẫn đến tất cả đều na ná nhau từ kiến thức đến lối suy nghĩ.

– Vậy cách học mới – chủ động thì như thế nào?

– Cách học chủ động là thầy khuyến khích trò tranh luận, tư duy phản biện và đưa ra ý kiến cá nhân. Nói cách khác, từ những thông tin trong bài học trên lớp đến những lời cha mẹ khuyên nhủ, các em không nên học thuộc lòng mà cần có sự suy nghĩ, tìm tòi, lập luận và sáng tạo. Chúng ta quen gọi phương pháp này bằng khẩu hiệu “lấy học sinh làm trung tâm”.

– Theo ông, ưu nhược điểm của cách học thụ động và chủ động là gì?

– Khó có thể nói cách học nào tốt hơn vì nó còn tùy thuộc vào độ tuổi, cách tiếp cận thông tin, môi trường học tập và hoàn cảnh sống.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu giáo dục Edgar Dale, Mỹ nhận định “cách học dở nhất là nghe giảng vì chúng ta nhớ 20% điều đã đọc hay nghe, 30% điều đã nhìn và đến 90% điều đã làm”. Chia sẻ của Edgar Dale phần nào nói lên thực hành, trải nghiệm chủ động là cách học vui và hiệu quả.

– Làm cách nào để trẻ chủ động hơn trong học tập và cuộc sống?

– Cá nhân tôi cho rằng trẻ em như cây non, bị tác động bởi hai môi trường gần gũi với chúng nhất – gia đình và nhà trường. Muốn cây vững cần có bộ rễ chắc. Cụ thể, phụ huynh nên dạy con kỹ năng sống tự lập, trao quyền tự chủ cho con thay vì áp đặt ý kiến lên chúng. Trẻ có thể tham khảo ý kiến cha mẹ, sau đó nên tự đưa ra quyết định.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng người thầy tốt là người dẫn học trò đi tìm chân lý, không phải người đem thẳng chân lý đến cho học trò.

Thay vì quan niệm một lớp có bao nhiêu học sinh, thầy cô cần nhìn nhận đang dạy bao nhiêu học sinh một lớp – với những cá thể khác biệt. Thầy cô nên là người đồng hành, tích cực khuyến khích tư duy phản biện, rèn luyện “dây thần kinh hoài nghi” và khả năng tự học cho trẻ.

Theo VNExpress

TIN TỨC KHÁC