BÍ KÍP TỪ NGƯỜI ĐỒNG HÀNH
UBND TP.HCM Chỉ Đạo Về Đưa Tiếng Anh Thành Ngôn Ngữ Thứ 2
10/09/2024

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Ngày 9-9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đã ban hành quyết định kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025 ngành giáo dục thành phố. Trong đó, yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Năm học 2024-2025,TP.HCM xác định chủ đề năm học 2024-2025 của ngành giáo dục là: “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TP.HCM”.

UBND TP.HCM chỉ đạo ngành giáo dục từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đặt ra 15 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm học mới:

Thứ nhất, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý.

Thứ hai, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng trong đó, quan tâm đến đối tượng là người dân tộc thiểu số, học sinh xã đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trong đó, chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân lao động được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng. Phát triển các phương thức giáo dục hòa nhập, chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người khuyết tật.

Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Cụ thể, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non. Triển khai, tăng cường các điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Tập trung đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy và người học; phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đẩy mạnh đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá; Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ. Nghiên cứu, xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.

Thứ 4, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Tổ chức tuyển dụng bảo đảm số lượng và chất lượng (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu); sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; nghiên cứu tham mưu xây dựng chính sách thu hút, tạo nguồn tuyển dụng giáo viên và hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên yên tâm công tác.

Thứ 5 tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp thực sự gương mẫu, là tấm gương cho học sinh, sinh viên noi theo.

Thứ 6, tiếp tục xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”.

Thứ 7, tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường trên cơ sở tích hợp cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Triển khai các giải pháp để nâng cao tỉ lệ học sinh biết bơi tại các cơ sở giáo dục.

Thứ 8, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Khuyến khích các cơ sở giáo dục tham gia các hoạt động hội thảo về đào tạo, nghiên cứu với các trường, viện nghiên cứu quốc tế chất lượng cao để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, nghiên cứu khoa học, trao đổi toàn cầu.

Thứ 10, hội nhập quốc tế trong giáo dục.

Thứ 11, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành giáo dục và đào tạo thành phố. Tiếp tục chuẩn hóa dữ liệu học sinh phục vụ cho việc triển khai hiệu quả giải pháp tuyển sinh, phân luồng học sinh trực tuyến dựa trên dữ liệu và hệ thống phân tích thông tin không gian địa lý GIS; tiếp tục triển khai giải pháp đánh giá mức độ chuyển đổi số cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên (DTI) theo hướng tăng cường việc liên thông dữ liệu giữa các hệ thống nghiệp vụ, làm căn cứ cho việc tự động đánh giá đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Tập trung xây dựng hệ thống học bạ số bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao đối với lớp 1 và lớp 2, hoàn thiện dữ liệu lớp 3, 4, 5 tiến tới triển khai học bạ điện tử các cấp học trên toàn thành phố.

Tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Tiếp tục xây dựng hạ tầng học tập quốc gia, kho học liệu số chia sẻ dùng chung toàn ngành, gồm: bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, phần mềm mô phỏng và các học liệu khác; phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho các môn học; triển khai nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến dùng chung.

Thứ 12, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018.

Thứ 13, đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục công lập.

Thứ 14, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.

Cuối cùng, tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Nguồn: Giaoduc.edu.vn

HOTLINE ĐĂNG KÝ
TƯ VẤN
Loading...